Chào các bạn,

Ngày nay, “Travelling blogger” không còn là một cụm từ mới mẻ và xa lạ ở Việt Nam. Ngày càng nhiều bạn trẻ viết blog, làm vblog chia sẻ về những chuyến đi, giới thiệu nhiều vùng đất mới cũng như những mẹo hay du lịch. Đa phần các bạn xem việc “xê dịch” không chỉ đam mê mà còn là “cần câu cơm” đem lại thu nhập chính hằng tháng.

Với BLDL, hiện tại du lịch chỉ dừng lại ở đam mê, sở thích cuồng chân sau những chuỗi ngày chăm chỉ lao động. Nguồn thu nhập chính nuôi dưỡng đời sống vật chất của tụi mình là nhờ vào công việc kinh doanh.

Một ngày đời thường khi tụi mình không “xê dịch”

“Ba Lô” bận rộn vận hành một cửa hàng thể thao riêng YCB chuyên về cung cấp dụng cụ hỗ trợ cho ba môn phối hợp: xe đạp, chạy bộ, bơi lội. “Dép Lào” yêu thích công việc hướng dẫn yoga tại Purna Studio đồng thời đam mê chế biến thực phẩm thuần chay tại Bếp Lành. Những thương hiệu kể trên đều do chính tay bọn mình “start up – khởi nghiệp” từ A đến Z. Và rất may mắn, thị trường người tiêu dùng đón nhận và ủng hộ gia đình BLDL thật nồng nhiệt.

Mình không phải là tài phiệt, cũng không phải là chuyên gia tài chính hay chủ tịch tập đoàn cao siêu gì. Mình chỉ là một con người trẻ đầy nhiệt huyết xây dựng thành công một chút gì đó của riêng mình dựa trên sở trường và đam mê sẵn có. Do đó, trong bài viết này, mình muốn chia sẻ một số kinh nghiệm hữu ích khởi nghiệp dành cho các bạn trẻ khao khát thoát ra khỏi chiếc ghế văn phòng để mong muốn xây dựng công việc kinh doanh cho riêng mình. Dĩ nhiên, những gì mình nói ra đều dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của bọn mình. Các bạn đọc để mang tính chất tham khảo và mày mò tìm ra lối đi riêng cho bản thân nhé.

Xác định việc mình thích và mình giỏi

Sự kết hợp giữa việc mình thích làm và việc mình làm giỏi chính là chìa khoá thành công chính khi khởi nghiệp. Để xác định được điều này hoàn toàn không hề dễ dàng. Có người mất cả cuộc đời cũng không biết mình thích gì và giỏi gì.

https://www.instagram.com/p/CDbkAyjJ-Wu/

“Có bao giờ bạn ngồi suy nghĩ nghiêm túc về những mình thật sự yêu thích chưa? Những gì mình thật sự có khả năng? Những gì bạn muốn đạt được trong cuộc sống? Đâu là trở ngại của bạn? Hầu hết mọi người đều không làm được việc này. Họ chấp nhận những gì “nên” làm, thay vì dành thời gian để tìm hiểu những gì họ “muốn” làm.”

Đó chính là những dòng văn đã chạm vào trái tim mình. Bởi tất cả những gì sách “Đừng bao giờ đi ăn một mình” nói đến, mình đều đã từng trải qua. Nếu các bạn theo dõi BLDL đủ lâu thì đủ biết hành trình tìm kiếm đam mê của mình như thế nào.

Tìm kiếm đam mê cần sự nhẫn nại

Mỗi người chúng ta yêu thích những thứ khác nhau, lo lắng về những điều khác nhau, có những điểm mạnh điểm yếu khác nhau. Chúng ta cần suy nghĩ về những điểm này khi tìm điểm giao thoa giữa năng lực và sự yêu thích hay còn gọi là nơi năng lực và đam mê giao nhau.

Nếu bạn khởi nghiệp từ chính nguồn đam mê ấy dựa trên những việc bạn yêu thích và sở trường cá nhân thì bạn sẽ đủ lửa để tiếp tục phấn đấu cho dù có gặp phải khó khăn hay thất bại đi chăng nữa.

Xuất phát từ nhu cầu bản thân và thị trường

Mình là một hướng dẫn viên yoga ăn thuần chay. Tuy nhiên, trên thị trường tại thời điểm ấy, không có nhiều thực phẩm thuần chay lành mạnh. Các món ăn chay bên ngoài thường mình không ăn được vì quá nhiều gia vị, dầu mỡ hoặc giả chay. Do đó, đa phần mình tự mày mò công thức và chế biến tại nhà cho bản thân. Và mình nhận được rất nhiều nhận xét từ gia đình, bạn bè, học viên là các món ăn mình tạo ra khá ngon.

https://www.instagram.com/p/B_MVa_-p0dP/

Mình thích những bữa ăn chay tươi ngon, với nhiều rau củ quả giữ được nguyên hương vị nguyên bản, gia vị vừa phải (vì mình quen ăn nhạt), đa dạng hạt ngũ cốc với nhiều cách chế biến phong phú. Và mình nghĩ không chỉ riêng mình và vô số các bạn ăn thuần chay đều mong muốn những bữa ăn chất lượng và lành mạnh như thế này cho cơ thể.

Thế là “Bếp Lành” ra đời. Không nhất thiết bạn phải ăn chay thì mới được chào đón ở Lành. Mà đối tượng của Lành là tất cả các bạn – những ai quan tâm đến sức khỏe của mình qua việc ăn uống đều được phục vụ, tiếp đón một cách niềm nở – thân thiện tại Lành.

Đó là một ví dụ điển hình cho việc khởi nghiệp từ chính nhu cầu bản thân và thị trường. Những gì bạn cần mà không ai bán thì cũng ti tỉ người khác đang cần tìm. Vậy sao không nắm bắt cơ hội và bắt đầu xây dựng sản phẩm cốt lõi dựa trên nhu cầu bản thân, thị trường với thế mạnh riêng của bạn.

Xây dựng sản phẩm cốt lõi

https://www.instagram.com/p/B9aclREpYON/

Pate thuần chay chính là sản phẩm cốt lõi đầu tiên của Lành. Pate hạt thuần chay được làm từ các thành phần tự nhiên tươi, có lợi cho sức khỏe và hoàn toàn không có chất bảo quản. Thành phần chính của Pate là các loại hạt nguyên chất bổ dưỡng như hạnh nhân, quả óc chó, hạt điều… cung cấp nguồn dinh dưỡng dồi dào và lành mạnh cho sức khoẻ mọi người ngay cả phụ nữ mang thai và trẻ em.

Ban đầu, mình chỉ làm pate để phục vụ cho những bữa sáng ngon – gọn – lẹ của bản thân mà thôi. Sau đó, quá nhiều học viên nếm thử rồi yêu thích và yêu cầu mình bán. Thế là mình quyết tâm chọn pate thuần chay làm sản phẩm cốt lõi của mình.

Khi bắt đầu khởi nghiệp, bạn sẽ mất khá nhiều thời gian nghiên cứu, mày mò định hướng sản phẩm cốt lõi của mình. Đây chính là nhân tố quan trọng quyết định thành bại của việc kinh doanh. Sản phẩm phải chất lượng, khác biệt, mang chất riêng của bạn và đáp ứng đúng nhu cầu thị trường đang cần thì xem như bạn thành công 1/2 rồi đấy.

Đừng làm lớn – hãy làm nhỏ

Một trong những kinh nghiệm khởi nghiệp của mình là đừng đua đòi làm gì quá to và hào nhoáng. Điều này chỉ khiến bạn đầu tư quá nhiều tiền bạc, công sức, thời gian mà rủi ro thất bại lại cao. Thay vào đó, hãy bước chậm từng bước nhỏ.

Bạn đầu tư một số tiền nho nhỏ hợp lý trong khả năng tài chính của mình khi mới bắt đầu xây dựng thương hiệu riêng. Rồi trong quá trình kinh doanh, bạn sẽ ngộ ra vô số thứ cần chỉnh sửa, cần phát triển, cần thay đổi để đẩy mạnh sản phẩm, marketing, thu hút khách hàng…và tiếp tục đầu tư thêm từng chút một.

Thuyền to thì sóng lớn. Do đó, nếu chưa biết bơi giỏi, đừng vội vàng ra biển. Hãy chỉnh chu, trưởng thành trong chính ao làng của mình trước đã.

Bán gì chứ không bán hàng

Nghe lạ nhỉ, khởi nghiệp mà được khuyên là bán gì chứ không bán hàng. Ngụ ý ở đây là các bạn đừng chỉ chăm bẩm vô chuyện bán được hàng mà hãy bán sự uy tín, bán chất lượng và bán dịch vụ chăm sóc khách hàng. Nếu bạn có một sản phẩm tốt nhưng không phát triển dịch vụ chăm sóc khách hàng cũng như sự uy tín thương hiệu thì cũng chả thành công dài lâu được.

https://www.instagram.com/p/CEjecAxJk6d/

Hãy quan tâm khách hàng của mình như một người bạn. Lắng nghe xem thật sự họ cần gì, muốn gì, đòi hỏi gì ở thương hiệu của mình. Rồi từ đó, bạn sẽ chắt lọc và chọn ra những gì phù hợp nhất để phát triển sản phẩm tốt hơn.

Mình vừa chia sẻ xong một số kinh nghiệm khởi nghiệp đúc kết từ chặng đường xây dựng những thương hiệu riêng của gia đình mình. Mong các bạn có thêm động lực, được tiếp thêm lửa và sức mạnh để sáng tạo một chút gì đó cho riêng mình.

Chúc mọi người thành công!

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *