Thẻ tín dụng là một công cụ thanh toán rất tiện lợi và hữu ích trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Với thẻ tín dụng, chúng ta không cần phải lo lắng mang theo tiền mặt, có thể tiêu trước trả sau, và được hưởng rất nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mãi khác.
Tuy nhiên, sử dụng thẻ tín dụng cũng có những rủi ro nhất định nếu bạn không chú ý bảo mật thông tin. Khi thông tin thẻ bị lộ, kẻ gian có thể sử dụng thẻ để thực hiện các giao dịch trên mạng hoặc trực tiếp ở cửa hàng để cướp tiền từ tài khoản của bạn.
Cho dù bạn cẩn thận đến đâu cũng không thể bảo đảm 100% thông tin thẻ không bị đánh cắp. Vì nếu khi các trang web mua hàng uy tín, ngân hàng bị hack thì thông tin của tất cả khách hàng đều có nguy cơ bị lộ, không chỉ thông tin thẻ mà còn cả thông tin cá nhân, sức khoẻ,…
Bản thân mình thường rất cẩn thận trong các giao dịch thẻ tín dụng, chỉ sử dụng thẻ ở các địa chỉ tin cậy. Nhưng mới đây thẻ tín dụng MasterCard của mình do Vietcombank phát hành đã bị kẻ gian lợi dụng để thực hiện các giao dịch mua hàng ở nước ngoài. Chẳng biết thông tin thẻ bị hack ra sao, chỉ biết thằng khốn nạn nào đó ở Anh đã tiêu xài hết hạn mức thẻ của mình từ tối qua mà mình không hề biết. Đến trưa nay khi Vietcombank gọi điện thoại cảnh báo các giao dịch đáng ngờ, mình mới ngã ngửa. Sau đó nguyên buổi chiều phải tìm cách giải quyết sự cố ngay lập tức.
Bạn nghi ngờ thẻ tín dụng của mình bị lợi dụng hoặc tệ hơn là rơi vào tình huống thẻ đã bị cướp hết tiền?
Tham khảo các bước giải quyết dưới đây để có thể giải quyết, khắc phục vấn đề một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất, giảm thiểu rủi ro mất tiền oan.
1. Bình tĩnh, đừng hoảng loạn
Tự nhiên nghe mất mấy chục triệu trong tài khoản thẻ tín dụng sao mà bình tĩnh được chứ!
Đó là phản xạ tự nhiên của bất kỳ ai khi rơi vào hoàn cảnh thẻ tín dụng bị hack. Nhưng hoảng loạn chẳng giúp ích gì cho bạn đâu! Bước đầu tiên khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn nào trong cuộc sống là bạn cần phải giữ bình tĩnh, nhờ đó mới sáng suốt suy nghĩ ra cách giải quyết vấn đề. Bị hack thẻ tín dụng cũng vậy!
Nhiều khi lý do thẻ hết tiền là do vợ bạn hay con bạn sử dụng thẻ phụ để mua sắm mà không báo cho bạn biết, hoặc có thể là do bạn mua sắm gì đó mà quên mất. Không phải lúc nào thẻ hết tiền cũng là do bị hack! Hãy bình tĩnh liên hệ với ngân hàng cung cấp thẻ để xác nhận và tìm phương hướng giải quyết nếu thẻ của bạn thực sự bị lợi dụng.
2. Liên hệ ngay với ngân hàng & khoá thẻ ngay lập tức
Trong bất kỳ tình huống nào liên quan đến thẻ tín dụng, hãy liên hệ ngay với ngân hàng cung cấp thể để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất. Số điện thoại ngân hàng luôn được in ở mặt sau của thẻ của bạn.
Nếu bạn nghi ngờ thẻ của mình có phát sinh giao dịch lạ, hãy báo ngay với ngân hàng các thông tin liên quan đến giao dịch đó: ngày, địa điểm, số tiền, tên công ty bán hàng,..và yêu cầu KHOÁ THẺ NGAY LẬP TỨC.
Nhiều trường hợp, ngân hàng sẽ chủ động liên hệ với bạn khi phát hiện các giao dịch lạ phát sinh. Chẳng hạn như Vietcombank sáng nay đã chủ động liên hệ với mình để xác nhận, nếu không chắc tới giờ mình vẫn chưa biết thẻ của mình bị hack. Vietcombank đã chủ động KHOÁ THẺ để tránh phát sinh các giao dịch lạ.
Tiếp theo, hãy đến ngay trung tâm thẻ của ngân hàng để làm các thủ tục cần thiết: yêu cầu khiếu nại giao dịch, yêu cầu huỷ thẻ. Đồng thời trao đổi cách giải quyết với đại diện ngân hàng làm sao để hoàn tiền lại cho bạn, hạn chế tối đa rủi ro mất tiền.
Cách giải quyết của Vietcombank
Với trường hợp của mình, đại diện ngân hàng đã chủ động KHOÁ THẺ, và liên hệ với mình để xác nhận. Sau khi trao đổi, cách giải quyết của các trường hợp này như sau:
- Ngân hàng sẽ làm việc với bên bán hàng để yêu cầu huỷ giao dịch, hoàn lại tiền.
- Chủ thẻ được khuyến khích nên chủ động liên hệ với bên bán hàng để đẩy nhanh quá trình xử lý. Ngân hàng sẽ cung cấp chi tiết các giao dịch lạ để bạn dễ dàng liên hệ.
- Các trường hợp không được hoàn lại tiền, ngân hàng sẽ tiếp tục tiến hành ra soát và điều tra. Quá trình này có thể mất đến 3 tháng.
- Trong chờ đợi thời gian này, khoản nợ thẻ tín dụng liên quan đến các giao dịch sẽ được “treo”, không cần phải thanh toán.
Nếu tất cả các bước trên không thành công, bạn mới phải “chịu hậu quả” trả tiền cho ngân hàng. Hy vọng là mình không xui xẻo đến vậy!
3. Liên hệ trang web/ cửa hàng để yêu cầu huỷ giao dịch
Sau khi nhận được bảng kê chi tiết các giao dịch lạ từ ngân hàng, bạn cần phải gửi email cho trang web bán hàng / cung cấp dịch vụ để huỷ đơn hàng ngay lập tức và hoàn lại tiền vô tài khoản cho bạn. Tên cửa hàng luôn được hiện ra trong bảng kê, nằm ở cột Merchant Name. Chỉ cần google cái tên là bạn sẽ tìm ra ngay trang web của nó.
Nếu trang web có cung cấp email trực tiếp, hãy soạn thảo email gửi cho nó. Nếu trang web cung cấp một khung liên hệ (ví dụ như của Ba Lô & Dép Lào), hãy gõ yêu cầu của bạn trực tiếp vào đó. Cách nào cũng được, miễn là bạn cung cấp thông tin càng sớm càng tốt.
Bạn có thể sử dụng mẫu thư mà mình sử dụng để khiếu nại như dưới đây.
I am [Tên của bạn], from Vietnam. I am writing to you to inform about a recent fraud order made at your website. They use my credit card information, which somehow got hacked, to place order.
Below is the detail information of that transaction:
- The credit card number: xxxxxx………..yyy (điền một vài chữ số đầu và cuối thôi, đừng ghi hết)
- Country of origin: Vietnam
- Bank: [Ngân hàng phát hành thẻ]
- Transaction Date: [Ngày phát sinh giao dịch]
- Amount: [Số tiền giao dịch]
Please help to cancel this order and refund the amount back to my account.
The representative of my credit card bank may also contact you regarding to this fraud issue.
If you need verification or any other information, please let me know.
Best regards,
Đại diện các trang web sau khi nhận được email của bạn thường sẽ trả lời trong vòng vài giờ đến tối đa là 2 ngày. Nếu bạn gửi email thông báo càng sớm, cơ hội được hoàn tiền càng cao vì khi đó cửa hàng chưa tiến hành ship hàng cho khách. Còn nếu báo quá trễ, thì đành phải đợi ngân hàng bay vô giải quyết giúp.
Xử lý càng nhanh, cơ hội được hoàn lại tiền càng cao.
4. Chờ đợi thông tin từ ngân hàng
Sau khi gửi email cho các cửa hàng ở bước 3, việc của bạn cần làm coi như đã xong. Phần còn lại tuỳ thuộc vào … may mắn của bạn.
Nếu nơi nào trả lời đồng ý hoàn tiền thì quá tốt, bạn sẽ nhận lại tiền sau vài ngày. Còn các địa chỉ nào không chấp nhận yêu cầu, hãy báo lại với đại diện với bên phía ngân hàng để tiền hành các bước rà soát khiếu nại tiếp theo.
Hãy chủ động yêu cầu ngân hàng báo cáo tình trạng giải quyết vấn đề theo định kỳ hàng ngày hoặc hàng tuần. Hãy bảo đảm rằng tất cả các giao dịch lừa đảo đều được ngân hàng xử lý triệt để. Nếu có giao dịch nào sau quá trình điều tra không giải quyết được (hi vọng không ai bị cái này), hãy yêu cầu ngân hàng cung cấp chi tiết các bước xử lý và giải thích nguyên nhân.
Cập nhật tình trạng giải quyết sự cố của mình
Có tất cả 7 giao dịch lừa đảo phát sinh trên thẻ tín dụng của mình tối qua, thực hiện ở 7 shop khác nhau. Tất cả đều ở Anh.
Mình đã liên hệ với tất cả các trang web bán hàng để yêu cầu huỷ giao dịch và hoàn lại tiền. Trong số 7 cửa hàng này thì đã có 3 cửa hàng trả lời và đồng ý hoàn lại tiền. Đang chờ đợi 4 cái còn lại phản hồi, hy vọng tất cả đều được giải quyết ổn thoả
Hy vọng không có bạn nào xui xẻo bị rơi vào tình cảnh éo le hột me như mình!
Bạn ơi, thế kết quả cuối cùng là như thế nào? Bạn có nhận lại được toàn bộ số tiền đã mất không? Sorry cho đào mộ. Mình vừa làm thẻ Mastercard và đang tìm hiểu về rủi ro mất thẻ.
Kết quả là mình vẫn phải trả gần 10tr. Sợ quá cạch mặt thẻ Vietcombank luôn rồi.
Hik, chia buồn cùng bạn. Mình đọc kỹ hợp đồng thì thấy Vietcombank hoàn toàn nắm đằng chuôi trong trường hợp này >.< ("chủ thẻ chịu hoàn toàn trách nhiệm với tất cả các giao dịch xảy ra trước khi thông báo mất thẻ"). Hiện tại mình chỉ còn cách đề phòng bằng cách lên Internet Banking và đặt hạn mức ngày xuống mức thấp nhất. Không biết ở Việt Nam có ngân hàng nào bảo vệ người dùng tốt hơn không.