BLDL nhận được khá nhiều câu hỏi thắc mắc xung quanh việc “Làm sao để phòng tránh bệnh tật khi đi du lịch dài ngày?!”. Bản thân tụi mình không phải là bác sĩ nên những gì chia sẻ trong bài viết này là những mẹo phòng bệnh đơn giản từ kinh nghiệm thực tế của đôi bạn chuyên phượt mà thôi.
Hãy xem bệnh là một phần của cuộc sống hằng ngày. Sau mỗi cơn bệnh, cơ thể bạn đã có kháng thể để một phần chống lại vi khuẩn và vượt qua dễ dàng hơn trong những đợt bệnh tương tự về sau. Tụi mình không thể đưa ra lời tư vấn chuyên môn y khoa mà chỉ là một số mẹo nhỏ hay đơn giản giúp bạn phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Hi vọng qua bài viết này, bạn và những người thân yêu có thể hạn chế bệnh vặt để có chuyến đi vui hơn và lành mạnh hơn.
1. Rửa sạch tay
Việc này nghe có vẻ quá đơn giản nhưng lại phương thuốc phòng bệnh hiệu quả mỗi khi bạn đi xa. Chúng ta đủ lớn để biết tay dơ sẽ kéo theo vô số hệ lụy không muốn như đau bụng, tiêu chảy, nhiễm khuẩn, nhiễm trùng…Do đó, mỗi khi đi đâu về hay tham gia bất cứ hoạt động nào, việc đầu tiên cần làm là hãy rửa sạch tay đặc biệt sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.
Các bạn có thể lên mạng và search những bước rửa tay cần và đủ để bảo đảm vệ sinh tay sạch sẽ. Các em bé nhỏ khi mới học mẫu giáo đã được dạy rất kỹ về quy trình rửa tay đúng. Chỉ có người lớn chúng ta là thường không để ý và rửa tay qua loa thôi.
Cách tốt nhất khi đi du lịch là bạn nên tự chuẩn bị một lọ nước rửa tay tiệt trùng trong trường hợp không có xà bông và nước. Khi có thể, hãy cố gắng rửa tay trực tiếp dưới nước ấm it nhất 30 giây sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi ăn bạn nhé.
Hành động nhỏ nhưng hiệu quả phòng bệnh lớn.
2. Uống nước đóng chai
Điều này không có nghĩa mình xúi giục các bạn không uống nước ở các trạm cấp nước miễn phí dọc đường. Nếu sau một hay hai lần uống nước miễn phí nơi công cộng, dạ dày bạn không bị vấn đề, không tạo cảm giác khó chịu hay đau bụng thì bạn có thể tiếp tục sử dụng.
Tuy nhiên, cách tốt nhất để hạn chế mắc bệnh là mua nước suối đóng chai sẵn. Nếu nơi bạn sống có bếp nấu nước thì quá tốt. Bạn có thể tự nấu nước sôi và để nguội cho vào bình nước suối mang theo. Vừa hợp vệ sinh vừa tiết kiệm. Đây là cách BLDL thường làm mỗi khi đi du lịch xa cùng Silk.
3. Vệ sinh an toàn thực phẩm
Căn bệnh mà dân du lịch thường mắc phải nhiều nhất là bị tiêu chảy hay rối loạn tiêu hóa. Bạn cần thận trọng lựa chọn thực phẩm sạch và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Thật ra điều này hơi khó khi đi phượt, đặc biệt ai cũng thích thức ăn đường phố haha.
Chỉ cần một chút quan sát như người bán có đeo găng tay và khẩu trang khi chế biến thức ăn, thức ăn có được làm sạch sẽ trước mắt bạn, khi thối hay nhận tiền người bán có tháo găng tay thực phẩm ra không, thức ăn có trông tươi ngon không, quán đông người ăn thường thực phẩm sẽ được bảo đảm tươi mới hơn.
Ngoài ra, bạn cần cẩn trọng khi lần đầu ăn những món ăn lạ, món sống và rau quả tươi. Việc để tâm quan sát vệ sinh thực phẩm sẽ giúp bạn phòng tránh các bệnh về đường tiêu hóa, giúp chuyến đi êm ái và an toàn hơn. Cách tốt nhất là bạn nên tự chuẩn bị một ít thuốc trị tiêu chảy và ăn không tiêu trong ba lô.
4. Vận động tích cực
Một trong những cách phòng chống bệnh hiệu quả nhất của BLDL khi du lịch là duy trì một cơ thể săn chắc và khỏe mạnh dựa vào chế độ tập luyện hợp lý. Không lấy gì làm lạ với những hình ảnh cặp đôi phượt thủ BLDL cùng nhau chạy bộ, bơi hay đạp xe đạp, tập yoga…trong những hành trình phượt bụi.
Nhân tiện, BLDL chia sẻ lại với các bạn những bí quyết giữ cơ thể săn chắc, thon gọn và khỏe mạnh ngay cả trong lúc đang đi du lịch.
Chia sẻ bí quyết giữ cơ thể khỏe mạnh và săn chắc khi đi du lịch
5. Tránh “say nắng”
Khi du lịch đến các nước nhiệt đới như Thái Lan, Indonesia, Malaysia…bạn cần chuẩn bị kem chống nắng SPF30 trở lên. Đây là cách bảo vệ bạn khỏi bị cháy nắng quá mức dưới ánh sáng mặt trời. Ngoài ra, nón, áo khoác mỏng chống tia UV, dù …cũng là những vật dụng cần thiết nên mang theo khi đi du lịch.
Việc “say nắng” quá mức sẽ khiến cơ thể mau mất nước, choáng váng, sốc nhiệt, mệt mỏi, chóng mặt…Vì vậy đừng để cơ thể hấp thụ sức nóng mặt trời quá mức bạn nhé.
6. Tránh muỗi đốt
Kem chống muỗi luôn luôn có sẵn trong ba lô của mình mỗi khi đi rừng hoặc biển. Bạn có thể hình dung kinh khủng thế nào với việc ngứa ngáy, sưng tấy, nhiễm trùng ở các vết muỗi đốt. Đặc biệt khi bạn du lịch cùng trẻ nhỏ, càng hết sức cẩn thận phòng tránh sốt xuất huyết cho bé.
Nếu phòng có máy điều hòa, bạn có thể dễ dàng chống muỗi hơn. Mặc quần áo mỏng ống tay ống chân dài để tránh muỗi đốt về đêm. Siêng một tí, bạn nên thoa kem chống muỗi trước khi ngủ hoặc bắt đầu hành trình khám phá.
************
Đây là 6 mẹo cơ bản giúp bạn giảm thiểu rủi ro mắc bệnh khi đi du lịch. Tuy nhiên, khi có bệnh có dấu hiệu nặng hơn, bạn vẫn cần sự tư vấn chuyên môn từ bác sĩ. Chúc các bạn có chuyến đi an toàn và vui vẻ.